Phương pháp "Bàn tay nặn bột" tạo hứng thú học tập cho học sinh
Chủ nhật - 17/01/2021 19:26
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB) là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với bậc tiểu học, khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.
Thực hiện chuyên đề phương pháp “Bàn tay nặn bột” được Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cho các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện. Được sự chỉ đạo sâu sát và triển khai phương pháp "Bàn tay nặn bột" đến trường của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Dầu Một từ những năm qua. Vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã chú trọng đến việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đặc biệt là chú trọng đến phương pháp "Bàn tay nặn bột", để triển khai và xây dựng kế hoạch dạy học cho các khối lớp trong các môn Tự nhiên và xã hội, khoa học,... Bước đầu phương pháp này đã đem lại nhiều kết quả tốt trong quá trình dạy và học; tạo được sự hứng thú cho học sinh, nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn tự nhiên và khoa học, lịch sử, địa lý.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là sự quy trình hóa một cách logic phương pháp dạy học, dẫn dắt học sinh đi từ chưa biết đến biết theo một phương pháp mới mẻ là để học sinh tiếp xúc với hiện tượng, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành quan sát qua thực nghiệm. Phương pháp này giúp các em không chỉ nhớ lâu, mà còn hiểu rõ câu trả lời mình tìm được. Qua đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc khi trưởng thành.
Có trực tiếp tham dự tiết học được giáo viên giảng dạy theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" (BTNB), mới thấy được tính tích cực của phương pháp này. Trước khi bắt đầu tiết học, cô Trần Thị Thu (Giáo viên dạy lớp 5/2) chia lớp theo từng nhóm. Mở đầu bài "Cao su" môn Khoa học lớp 5, câu hỏi của cô Thu trường Tiểu học Tương Bình Hiệp đã lôi cuốn sự chú ý của các em học sinh: "Tại sao cao su kéo dài ra và co lại được một cách tự nhiên?...
Từ những thắc mắc nảy sinh của học sinh, giáo viên hướng dẫn các em tìm tòi suy nghĩ để giải quyết các câu hỏi xoay quanh vấn đề đó bằng những dự đoán mà các em đã hình thành trong thực tiễn.
Cô Thu còn cho các em quan sát một số bức tranh có liên quan tới câu đố để các nhóm tự suy nghĩ, thảo luận tìm ra câu trả lời. Khi đã phát hiện được câu trả lời các em sẽ rất hào hứng giơ tay phát biểu khi cô hỏi. Trong suốt tiết học, cô và trò cùng nhau đưa ra vấn đề rồi giải quyết vấn đề rất sôi nổi. 1 tiết học theo phương pháp BTNB được tiến hành theo 5 bước: tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề; bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh; đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm; tiến hành thực nghiệm tìm tòi, nghiên cứu và kết luận kiến thức mới.
Đa số giáo viên trực tiếp giảng dạy theo phương pháp BTNB đều khẳng định rằng: "Phương pháp này đòi hỏi giáo viên và học sinh đều phải chủ động trong suốt tiết học. Giáo viên là người dẫn đắt, học sinh là người tìm hiểu ra vấn đề. Các em được tham gia các thí nghiệm, rồi tự đưa ra đánh giá, thảo luận so sánh kết quả với các bạn trong nhóm để đi đến kết quả. Hầu hết học sinh đều cảm thấy hứng thú, chủ động trong suốt quá trình thời gian của tiết học, nắm vững kiến thức, hiểu bài sâu hơn. Từ đó, tạo được kỹ năng nhanh nhạy, linh hoạt trong học tập cũng như tinh thần đoàn kết nhóm của các em".
Thầy Nguyễn Thành Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường tiếp tục đưa phương pháp BTNB vào giảng dạy từ năm học 2018-2019. Lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, giáo viên và học sinh chưa quen. Nhưng thấy được hiệu quả của phương pháp, nhà trường khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn. Từ đó, giáo viên ngày càng linh hoạt ứng dụng những đồ dùng đơn giản nhất hiện có vào bài giảng; bên cạnh đó, hoàn toàn có thể tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học từ những vật liệu sẵn có để phục vụ bài giảng. Hàng năm, nhà trường còn tổ chức hội giảng chuyên đề giảng dạy theo phương pháp BTNB. Qua thời gian thực hiện cho thấy, việc áp dụng phương pháp BTNB giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, giáo viên có thể khai thác những kiến thức trong đời sống thực tế của học sinh. Từ đó giúp học sinh tự tìm hiểu và hình thành kiến thức mới của bài học. Tiết học nhờ vậy tạo được sự hứng thú cho học sinh vì bản thân các em tự tìm tòi để rút ra được tri thức. Tinh thần làm việc nhóm của học sinh cũng được phát huy tối đa".
Khi sử dụng phương pháp "bàn tay nặn bột", giáo viên cần lưu ý những nguyên tắc sau: 1. Học sinh quan sát một vật hoặc một hiện tượng của thế giới thực tại, gần gũi, có thể cảm nhận được và tiến hành thực nghiệm về chúng.
2. Trong quá trình học tập, học sinh lập luận và đưa ra các lý lẽ, thảo luận về các ý kiến và các kết quả đề xuất, xây dựng các kiến thức cho mình, một hoạt động chỉ dựa trên sách vở là không đủ. 3. Các hoạt động giáo viên đề ra cho học sinh được tổ chức theo các giờ học nhằm cho các em có sự tiến bộ dần dần trong học tập. Các hoạt động này gắn với chương trình và giành phần lớn quyền tự chủ cho học sinh. 4. Tối thiểu 2 giờ một tuần dành cho một đề tài và có thể kéo dài hoạt động trong nhiều tuần. Tính liên tục của các hoạt động và những phương pháp sư phạm được đảm bảo trong suốt quá trình học tập tại trường. 5. Mỗi học sinh có một quyển vở thí nghiệm và học sinh trình bày trong đó theo ngôn ngữ của riêng mình. 6. Mục đích hàng đầu đó là giúp học sinh tiếp cận một cách dần dần với các khái niệm thuộc lĩnh vực khoa học, kĩ thuật...kèm theo một sự vững vàng trong diễn đạt nói và viết.
Chúng tôi trên mạng xã hội